Nâng cao hiệu quả chuẩn bị, tổ chức kỳ họp HĐND

Bài cuối: Chuyển từ tham luận sang thảo luận

- Chủ Nhật, 23/10/2022, 07:06 - Chia sẻ

Cùng với bố trí thảo luận Tổ trước kỳ họp HĐND với nhiều đổi mới như chia Cụm thảo luận với chính quyền địa phương nơi ứng cử trước, giúp các đại biểu, Tổ đại biểu thảo luận, xem xét nội dung kỳ họp sâu hơn, thực chất hơn; dành phần lớn thời gian họp Tổ để thảo luận các dự thảo nghị quyết... việc điều hành kỳ họp cũng được nhiều địa phương đổi mới theo hướng tăng thời gian thảo luận tại hội trường. Đặc biệt, thay đổi hoàn toàn phương pháp điều hành các phiên thảo luận, chuyển từ “trình bày tham luận” sang “trao đổi thảo luận”, với những gợi mở về nội dung và yêu cầu cụ thể gắn với khống chế thời gian, giúp cho các ý kiến thảo luận trọng tâm, đúng hướng, rõ vấn đề.

Xem xét nội dung kỳ họp sâu hơn, thực chất hơn

Dành thời gian cho đại biểu thảo luận tại hội trường và chất vấn, Thường trực HĐND nhiều địa phương đã bố trí thảo luận Tổ trước kỳ họp HĐND với nhiều đổi mới trong cách thức thực hiện. Điển hình, trước mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh Long An chia làm 4 Cụm thảo luận với chính quyền địa phương nơi ứng cử, mỗi cụm có từ 2 - 5 Tổ đại biểu HĐND tỉnh có tính chất địa lý, điều kiện phát triển tương đồng. Thường trực HĐND tỉnh gợi ý nội dung cần thảo luận trên cơ sở kết quả thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, ý kiến của cử tri gắn với thông báo các nội dung giao cho các Tổ đại biểu HĐND tỉnh tổ chức giám sát trước kỳ họp tại địa phương. Cách làm này giúp cho các đại biểu, Tổ đại biểu thảo luận, xem xét nội dung kỳ họp sâu hơn, thực chất hơn và là nguồn tư liệu quan trọng, phong phú cho hoạt động chất vấn tại kỳ họp.

Bên cạnh gửi tài liệu kỳ họp đúng thời gian và đầy đủ trước khi họp Tổ, để đại biểu tập trung thảo luận các chính sách do HĐND ban hành liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, Thường trực HĐND tỉnh Bến Tre tổ chức phiên họp Tổ theo hướng dành phần lớn thời gian để thảo luận các dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp, các tài liệu khác phục vụ việc thảo luận nghị quyết. Thường trực HĐND tỉnh có văn bản hướng dẫn thảo luận Tổ. Trong đó, các dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp được chia thành từng nhóm vấn đề, mỗi nhóm có gợi ý những nội dung cần tập trung làm rõ để Tổ trưởng điều hành và đại biểu thảo luận.

Tổ trưởng căn cứ Hướng dẫn thảo luận Tổ ở từng kỳ họp, phân công đại biểu thành viên nghiên cứu chuyên sâu một số nội dung để khi vào họp Tổ thảo luận đến vấn đề đó thì thành viên được phân công nghiên cứu trước sẽ chủ động có ý kiến. Ngoài đại biểu HĐND tỉnh, các Tổ mời thêm đại diện Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, thành phố (địa bàn Tổ ứng cử) và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, thành phố dự họp để tham gia phát biểu, cung cấp thêm thông tin tình hình địa phương, các thông tin liên quan để đại biểu nghiên cứu, thảo luận.

Các vấn đề đại biểu đặt ra qua thảo luận Tổ được Văn phòng HĐND tỉnh tổng hợp, gửi đến UBND tỉnh có báo cáo giải trình gửi cho đại biểu HĐND tỉnh trước khi khai mạc kỳ họp. Trong báo cáo, những vấn đề nào đại biểu góp ý được UBND tỉnh tiếp thu, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan soạn thảo chỉnh sửa dự thảo nghị quyết; những vấn đề không tiếp thu, UBND tỉnh giải trình nguyên nhân vì sao không tiếp thu để đại biểu rõ.

Đại biểu thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Bắc Giang Khóa XIX -  ẢNH P. MINH
Đại biểu thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Bắc Giang Khóa XIX
Ảnh: P. Minh

Đi sâu vào những điểm mới, vấn đề cốt lõi

Do kỳ họp có rất nhiều nội dung, trong khi thời gian có hạn, việc bố trí, sắp xếp các phiên họp sao cho hợp lý, khoa học, tiết kiệm thời gian mà vẫn bảo đảm hiệu quả là vấn đề rất quan trọng. Thường trực HĐND các địa phương đã từng bước đổi mới chương trình kỳ họp theo hướng hạn chế thời gian đọc các báo cáo, tăng thời gian thảo luận tại hội trường, nhất là việc thảo luận các dự thảo nghị quyết.

Từ đầu nhiệm kỳ, bên cạnh duy trì hiệu quả thảo luận theo Tổ đại biểu, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang đã tăng thời gian thảo luận tại hội trường (có truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi), với sự tham gia của nhiều đại biểu HĐND tỉnh công tác từ cấp xã đến cấp tỉnh; đồng thời, thay đổi hoàn toàn phương pháp điều hành các phiên thảo luận, chuyển từ “trình bày tham luận” sang “trao đổi thảo luận”, với những gợi mở về nội dung và yêu cầu cụ thể gắn với khống chế thời gian, giúp cho các ý kiến thảo luận trọng tâm, đúng hướng, rõ vấn đề. Bên cạnh đó, quá trình điều hành, khi cần thiết, Chủ tọa mời lãnh đạo các ngành, các địa phương tham gia phát biểu, cung cấp thêm thông tin, trao đổi làm rõ những vấn đề đại biểu còn băn khoăn, chưa rõ… Với sự chuẩn bị chu đáo về nội dung, phương pháp điều hành linh hoạt nên các phiên thảo luận tại hội trường kỳ họp HĐND tỉnh Bắc Giang ngày càng sôi động và thực chất hơn.

Việc điều hành các kỳ họp HĐND tỉnh Vĩnh Long cũng được quan tâm đổi mới. Cùng với chỉ đạo các Tổ đại biểu tổ chức họp Tổ trước kỳ họp để thảo luận góp ý các nội dung văn bản trình kỳ họp, các văn bản thông qua tại kỳ họp đều ngắn gọn nhưng đầy đủ, dành thời gian cho các đại biểu phát biểu ở hội trường và chất vấn, tái chất vấn… Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh: cần tích cực nghiên cứu, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp HĐND tỉnh với các giải pháp như chỉ đạo việc thuyết trình tại kỳ họp (không thông qua nguyên văn) các tờ trình, đi sâu vào những điểm mới, vấn đề cốt lõi; đối với các báo cáo, trọng tâm vào những kết quả chính, những tồn tại, hạn chế thuộc chủ quan; đến phiên thông qua dự thảo nghị quyết theo hướng ngắn gọn nhưng bảo đảm những nội dung chủ yếu của dự thảo nghị quyết. Từ đó, rút ngắn được thời gian thông qua văn bản, dành cho phiên thảo luận và chất vấn, đồng thời cũng rút ngắn được thời gian nhưng vẫn bảo đảm chất lượng kỳ họp.

PHƯƠNG MINH